27.1 C
Tokyo

Kinh nghiệm apply học bổng MEXT -Phần 1

Tiện ích

Chào các bạn, tiếp theo bài biết giới thiệu về Học bổng Mext, mình tiếp tục chia sẻ thêm về kinh nghiệm apply học bổng. Mình chia thành 4 bước chính theo trình tự sau:

Bước 0: 

Mình gọi đây là bước số 0 bởi vì đây là việc mình đã làm trước cả khi nghĩ đến việc kiếm bộ hồ sơ để apply học bổng. Việc hết sức quan trọng đó là:

“KIẾM ĐƯỢC GIÁO SƯ HƯỚNG DẪN!!”

Khác với đa số các nước phương Tây, nơi các giáo sư có phương châm “Bạn hãy apply được vào trường rồi hẵng kiếm tôi” (một vài giáo sư còn ghi thẳng dòng này lên trang cá nhân hay website phòng thí nghiệm họ), ở Nhật (hay Hàn Quốc), tiếng nói của giáo sư vô cùng có trọng lượng trong việc quyết định bạn có được nhập học (khoan nói đến học bổng) hay không. Một số lý do thêm nữa có thể kể ra:

  • Giáo sư sẽ là người tư vấn tốt nhất cho bạn loại học bổng và cách tuyển sinh phù hợp với năng lực và điều kiện của bạn
  • Giáo sư là người quyết định nội dung bạn định nghiên cứu có phù hợp với định hướng phòng thí nghiệm của giáo sư hay không.
  • Giáo sư sẽ là người quyết định bạn có được ra trường hay không (các trường thường xem trọng kết quả nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của bạn hơn là điểm môn học).
  • Do các giáo sư rất được xem trọng ở Nhật Bản, lời nhận xét, đánh giá, tiến cử của giáo sư sẽ hỗ trợ rất nhiều đến công việc của bạn sau này nếu bạn có dự định làm việc tại Nhật..

Vậy làm sao để tìm được giáo sư hướng dẫn phù hợp và liên hệ họ, mình xin gác lại cho một bài viết khác tập trung hơn. Lưu ý riêng của mình là sau khi có kết quả các giai đoạn, các bạn nên cập nhật tình hình cho giáo sư hướng dẫn của mình để tạo thiện cảm nhé.

*Note nhỏ: Trường hợp của mình khá extreme, mình đã dồn hết sức lực và tập trung vào 1 giáo sư hướng dẫn và nguyện vọng trường duy nhất, coi như được ăn cả, ngã về không. Với mình đây là cách để thể hiện sự quyết tâm, và cũng giúp mình tập trung cao độ hơn trong từng chi tiết. Do đó, trường hợp các bạn nộp nhiều nguyện vọng thì sẽ có một số khác biệt về quy trình chọn trường sau khi đã đậu vòng Phỏng Vấn mà mình không trải qua nên không thể chia sẻ được. Mong các bạn thông cảm! ^_^!!

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Bạn nên sẵn sàng chứng chỉ ngoại ngữ của mình như tiếng Anh (TOEFL hay IELTS. Fun fact: tuy có thể dùng để nộp hồ sơ học bổng MEXT nhưng ở Nhật một phần đáng kể các trường sẽ không biết và không chấp nhận bằng IELTS) và tất nhiên là tiếng Nhật nếu có (nếu bạn có thể thi đạt từ N3 trở lên thì đó là một lợi thế lớn. Nếu trình độ hiện tại chưa đến cũng không sao và theo mình thì không nên thi đỡ mất tiền và thời gian)

Trong quá trình điền hồ sơ, dù một số điều đã được ghi trong bộ hồ sơ, mình xin nhắc lại một số lưu ý sau:

  • Bộ hồ sơ sẽ phải được đánh dấu gồm 1 bản chính ( dấu A1 – A10) và 4 bản copy (B1-B10 và tương tự cho C, D, E) bằng bút chì ở góc hồ sơ theo đúng số thứ tự được ký hiệu trong tài liệu hướng dẫn, sau đó kẹp lại theo bộ bằng kẹp giấy, KHÔNG được ghim dập.
  • Chụp hình thẻ đúng theo chuẩn Visa Nhật (phông trắng, không kính, 4.5×3.5), ghi tên và quốc tịch (tiếng Anh) vào sau mỗi hình trước khi dán.
  • Mục 9-10 của Application Form, tài liệu 1, về các học bổng bạn đã và sắp nhận. Theo luật của học bổng MEXT, bạn không thể nhận bất kì học bổng nào khác nếu được học bổng MEXT. Tuy nhiên, một số học bổng cho sinh viên Việt Nam thuộc dạng tiền thưởng 1 lần (monetary award, grant…) lại không bị mâu thuẫn với điều kiện ràng buộc trên. Do đó, để tránh mất quyền lợi, bạn nên email để lấy ý kiến xác nhận của đại sứ quán và tổ chức cấp học bổng cho bạn trong trường hợp này.
  • Về phần thời gian đến Nhật của Application Form, tài liệu 1, sẽ có các lựa chọn tháng 4, 9, 10. Bạn nên tham khảo với giáo sư trước khi quyết định.
  • Mục 12-14 của Application Form, tài liệu 1 về chuyên môn, các bạn nên nói ngắn gọn, cụ thể và dùng từ ngữ đơn giản do người duyệt sẽ chưa phải là các chuyên gia. Kiến thức của bạn sẽ được thể hiện ở tài liệu khác trong hồ sơ. Các bài báo của bạn nên được trích dẫn theo các style chính quy như APA, MLA, Harvard, IEEE…
  • Về thư giới thiệu, tài liệu 6, do đã có mẫu nên bạn chỉ cần đưa cho thầy/cô của mình điền vào và ký tên. Để thể hiện sự chuyên nghiệp, bạn nên nhờ thầy/cô bỏ vào phong thư, sau đó kí tên/đóng dấu mép thư để thể hiện sự bảo mật.

*Note nhỏ: Visa của học bổng MEXT cho phép bạn bảo lãnh thân nhân (bố, mẹ, vợ, con…) nhưng chi phí cho các cá nhân này sẽ hoàn toàn là tự túc. Đây là một trong số những quyền lợi của Government Scholar.

Thành phố Tokyo từ trên cao. Ảnh: Louie Martinez

Lĩnh vực học tập và kế hoạch chương trình nghiên cứu

Kế đến là 2 tài liệu mà theo mình thể hiện trình độ của bạn nhiều nhất. Đó là tài liệu 3 – Field of Study and Research Program Plan và tài liệu 8 – Abstracts of Thesis. Giáo sư của mình từng nói, không cần bạn sẽ phải làm đúng theo 100% những gì bạn lên kế hoạch nhưng khi chưa có test nào để kiểm tra trình độ chuyên môn thì văn phong, tính logic trong bài luận của bạn sẽ là thước đo để hội đồng đánh giá bạn.

“Sinh viên viết hay chưa chắc giỏi, nhưng sinh viên giỏi không thể viết tệ được”

  • Về bản lĩnh vực nghiên cứu và chương trình nghiên cứu, tài liệu 3, tựu chung bạn nên viết dễ hiểu, cụ thể các ý chính và quan trọng và sử dụng Font chữ lớn hơn 11 (Mình dùng 11.5). Phần đề tài nghiên cứu tại Nhật, bạn nên nói rõ động lực (motivation) cho nghiên cứu của bạn, hướng giải quyết mà bạn muốn nghiên cứu, và lý do chọn giáo sư, tại sao việc được vào phòng thí nghiệm của giáo sư hướng dẫn sẽ giúp bạn thực hiện mục tiêu đó. Đối với mục chương trình nghiên cứu, bạn nên vạch ra một số vấn đề và cột mốc cho đề tài của mình, thể hiện những việc cần làm, những môn học, kĩ năng bạn cần trang bị để thực hiện những cột mốc đó (Mình đã lên tận trang web của khoa để xem danh sách môn học để có thể liệt kê các môn học mình sẽ học vào các học kì một cách cụ thể nhất) Nếu có thể, bạn nên thêm các bảng, biểu minh họa cho luận điểm và nghiên cứu của mình.
  • Về bản tóm tắt luận văn, tài liệu 8, theo hồ sơ thì là một tài liệu free-form, tức viết tự do, nhưng theo mình bạn nên copy lại format của tài liệu 3 để thể hiện tính nhất quán cho hồ sơ. Ở đây, bạn chỉ đơn giản tóm tắt lại abstract của các bài báo bạn từng viết, và tóm gọn nội dung luận văn đại học của bạn. Nói là tóm gọn nhưng vẫn cần phải thể hiện đủ các nội dung: mục tiêu luận văncác vấn đề đã giải quyết, nội dung và cách thức giải quyết, kết quả và kết luận. Tất nhiên việc có hình ảnh, bảng biểu minh họa cụ thể vẫn được hoan nghênh.

Tóm lại, người Nhật xem trọng sự tỉ mỉ, chỉn chu trong từng chi tiết nên để đạt được kết quả và ấn tượng cao nhất, lời khuyên của mình là bạn nên dành nhiều thời gian để kiểm tra kĩ các lỗi chính tả, ngữ pháp, văn phong, trình bày và thông tin cho bộ hồ sơ của mình. Các bạn nhớ lường trước thời gian gửi bưu điện vài ngày để tránh trường hợp hồ sơ tới trễ ngày nhé.

*Kinh nghiệm: Sau khi bạn đậu vòng Phỏng vấn, các trường đại học sẽ yêu cầu bạn gửi cho họ luôn tất cả những hồ sơ bạn đã gửi cho Đại sứ quán kèm giấy chứng nhận tiến cử từ Đại sứ quán. Do đó, sẽ rất tốt nếu bạn có thể làm phòng hờ từ thời điểm này (bạn sẽ đỡ thời gian liên hệ Đại sứ quán để xin lại bản scan như mình).

Còn nữa…

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Tin mới