27.1 C
Tokyo

Các công ty Nhật và cuộc đua thu hút nhân lực nước ngoài

Năm 2022 đánh dấu sự mất giá đạt mức lịch sử của đồng Yên. Tình trạng này đã ảnh hướng rất xấu đối với việc thu hút nhân tài nước ngoài của các công ty trong nước. Đối diện trước tình hình thiếu hụt nhân lực này, các công ty Nhật đã phải có nhiều đổi mới trong chiến lược thu hút và trọng dụng nhân tài của mình.

Tiện ích


Với tình hình giá yên giảm, sức hấp dẫn của việc làm Nhật cũng biến mất trong mắt nhân sự nước ngoài. Cùng xem tổng hợp chiến lược nhân sự hiện tại của một số các công ty Nhật trong hoàn cảnh này nhé.

  1. Sức hấp dẫn của việc làm tại Nhật đang giảm
  2. Tập đoàn Mitsui: Phải đánh giá lại ưu đãi cho người Nhật
  3. Matsuyama: Tạo môi trường làm việc dễ dàng hơn cho người nước ngoài
  4. UNIQLO: Tiếp cận nhân lực từ lúc còn là sinh viên
  5. Chiến lược nhân sự hướng ra nước ngoài là cần thiết

Sức hấp dẫn của việc làm tại Nhật đang giảm

Khi làm cho công ty Nhật, thường nhân viên sẽ nhận lương bằng đồng yên. Đồng yên mất giá có nghĩa là giá trị của đồng yên tụt giảm. Đối với người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản, giá trị tiền lương của họ về bản chất đã bị hao hụt. Do vậy, sức hấp dẫn khi làm việc tại Nhật Bản đang có xu hướng tụt giảm. 

Các công ty kinh doanh trên toàn cầu sẽ chịu ảnh hướng lớn hơn từ việc này. Theo ông Shimizu Hideaki (Trưởng phòng Xúc tiến Nền tảng dữ liệu nhân lực thế hệ mới của tập đoàn Mitsui), khủng hoảng thiếu hụt nhân lực sẽ ngày càng lan rộng nếu bản thân công ty không chịu thay đổi cách thu hút nhân tài.

Photo by Fikri Rasyid on Unsplash

Phải đánh giá lại ưu đãi cho nhân sự Nhật

Hiện tại tập đoàn Mitsui đã bắt đầu giới thiệu nhiều thay đổi mạnh mẽ trong công tác nhân sự. 

Mục đích là tạo ra một môi trường nơi nhân viên có thể được so sánh trên khắp thế giới. Cụ thể hơn, công ty sẽ quản lý năng lực nhân viên chung với hệ thống toàn cầu. 

Như trước đây, nếu năng lực của nhân viên được quản lý theo khu vực, chẳng hạn như theo quốc gia, nhân viên làm việc tại Nhật Bản, nơi đặt trụ sở chính, có xu hướng được ưu tiên hơn bất kể năng lực của họ. Kết quả là có những trường hợp người lao động được thuê ở nước ngoài nhận lương thấp hơn, ngay cả khi họ có tay nghề cao.

Đánh giá nhân sự Nhật
Photo by Amy Hirschi on Unsplash

Công ty đã giới thiệu hệ thống mới ở Đông Á và Hàn Quốc từ tháng 10 năm nay và dự tính phổ biến hệ thống này trên toàn thế giới, bao gồm cả Nhật Bản vào năm 2024.

Ban đầu, hệ thống này được giới thiệu với mục đích tối đa hóa khả năng của nguồn nhân lực trên toàn thế giới, nhưng trong tình trạng đồng yên tiếp tục mất giá như hiện tại, đây cũng có thể là một cách thức để thu hút nguồn nhân lực nước ngoài dễ dàng hơn.

Ông Shimizu chia sẻ, “Nếu chúng ta có thể áp dụng hệ thống này một cách phù hợp, tôi nghĩ nó sẽ là một vũ khí tuyệt vời trong việc thu hút nguồn nhân lực mới. Ngoài ra, tôi muốn những người được tuyển dụng ở Nhật Bản có suy nghĩ rằng động lực phấn đấu của họ không chỉ để cạnh tranh với người Nhật, mà là cả thế giới.”

Tạo môi trường làm việc dễ dàng hơn cho nhân sự nước ngoài

Công ty Thép Matsuyama từ 25 năm trước đã bắt đầu đẩy mạnh việc tuyển dụng các học viên thực tập kỹ thuật từ các nước Châu Á. Ông Kenji Kogo, chủ tịch công ty, cũng đã tự mình chứng kiến các nhân sự lao động nước ngoài trong công ty đang phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt giữa sự biến động nhanh chóng của tỷ giá hối đoái như thế nào. 

Photo by Etienne Girardet on Unsplash

Từ lâu, ông đã có nỗi lo về việc ngày càng có nhiều người lao động muốn làm việc ở các quốc gia khác ngoài Nhật Bản, nhưng gần đây, nỗi lo ngày càng lớn lên.

Do đó, cho đến nay, ông Kogo đã luôn cố gắng chú tâm tới những nhu cầu thực tế của lao động nước ngoài và tạo ra một môi trường làm việc thoải mái nhất có thể.

Một trong những biện pháp cụ thể là ông đã sắp xếp một nhà thờ Hồi giáo ngay trong khuôn viên công ty để các nhân viên người Hồi Giáo có thể cầu nguyện đúng giờ. Ông còn xây dựng bồn rửa đặt biệt gần đó để nhân viên có thể rửa mặt và tay chân trước khi làm lễ. Ông hi vọng sau giờ làm việc mệt mỏi, họ có thể cảm thấy thư giãn và an nhiên hơn khi được tham gia hoạt động cầu nguyện theo tôn giáo của họ.

Ngoài ra, ông cũng khuyến khích và cùng nhân viên mình tích cực tham gia các sự kiện địa phương để họ không cảm thấy bị cô lập ở một vùng đất xa lạ. Trước Covid, công ty đã tham gia cuộc thi marathon tại địa phương, và tháng 11 mới đây, họ cũng tham gia giải đấu gôn ở địa phương. Các học viên cũng cảm thấy rằng họ được chấp nhận là thành viên của cộng đồng.

Các hình ảnh về nơi cầu nguyện của nhà máy có thể xem tại bài phỏng vấn gốc trên NHK.

Tiếp cận nhân lực từ lúc còn là sinh viên

Một cách thức khác được dùng trong việc thu hút nhân tài nước ngoài là tiếp cận từ khi họ còn đang đi học.

Photo by Vasily Koloda on Unsplash

Ví dụ, Fast Retailing, công ty sở hữu UNIQLO, đang tăng cường các hoạt động tuyển dụng qua việc cộng tác của các trường đại học ở Việt Nam và Ấn Độ.

Ngô Lan Anh (Mari) gia nhập công ty vào tháng 9 năm ngoái với tư cách là sinh viên đầu tiên của Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học trong nước, Marie đã bắt đầu làm việc tại Nhật Bản vào tháng 4 này với vai trò quản trị viên tập sự (management trainee), phụ trách công tác tuyển dụng và quản lý rủi ro tại phòng nhân sự của trụ sở Tokyo.

Cho đến nay, UNIQLO đã tuyển dụng được khoảng 50 sinh viên bằng phương thức ​​hợp tác với các trường đại học nước ngoài như thế này. Thông thường, quá trình tuyển dụng diễn ra như sau: 

  1. Cấp học bổng: Toàn bộ học phí do công ty chi trả với điều kiện gia nhập công ty
  2. Tặng khóa học về ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản: Mục đích giúp sinh viên hiểu hơn về Nhật Bản
  3. Thực tập: Tại văn phòng địa phương, trụ sở chính của Nhật Bản trong kỳ nghỉ hè

So với Châu Âu và Hoa Kỳ, mức lương ở Nhật Bản không chênh lệch quá nhiều so với các nước Châu Á như Việt Nam và Ấn Độ. Tuy vậy, phương thức thu hút nhân sự từ thời kì sinh viên như thế này vẫn có kết quả khả quan trong tình trạng giá yên đang giảm sút. Đặc biệt là nhờ quá trình tiếp cận lâu dài, các ứng viên đã được hiểu thêm về Nhật Bản, sức hút và giá trị của công ty, cũng như ý nghĩa của công việc mình làm.

Chiến lược nhân sự hướng ra nước ngoài là cần thiết

Sự mất giá lịch sử của đồng yên không chỉ do sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, mà còn do sự suy yếu về sức mạnh của nền kinh tế Nhật Bản trong thời điểm hiện tại.

Các công ty Nhật Bản là những người chủ chốt trong việc hồi phục sức mạnh kinh tế, và những nhân lực làm việc trong công ty là tài nguyên không thể thiếu để công ty phát triển hơn. Do vậy, bất kể quy mô lớn hay nhỏ, loại hình kinh doanh của công ty là gì, các công ty cần phải xem xét và đưa ra các chiến lược để thu hút nguồn nhân lực từ nước ngoài và lấy lại vị trí của mình trên thị trường nhân sự toàn cầu.


Nguồn: Tổng hợp từ nhiều bài trên NHK

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Tin mới