Xác định “phân khúc” của bạn
Ở thị trường lao động nhật, người đi xin việc thường được chia làm 3 loại dựa theo kinh nghiệm làm việc: Sinh viên đại học/cao học mới tốt nghiệp Shinsotsu(新卒); Nhân viên mới, có kinh nghiệm chưa quá 3 năm làm việc Dainishinsotsu (第2新卒); Người có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên Chu-to(中途). Dựa vào đó, nội dung công việc và các tiêu chí cũng như thời điểm tuyển dụng của các công ty cũng khác nhau.
Mới tốt nghiệp Shinsotsu(新卒) | Nhân viên mới Dainishinsotsu (第2新卒) | Người có kinh nghiệm Chu-to(中途) | |
Kinh nghiệm | Sinh viên đại học/cao học vừa tốt nghiệp | Người có dưới 3 năm kinh nghiệm làm việc | Người từ 3 năm kinh nghiệm làm việc trở lên |
Tiêu chí tuyển dụng | Tiềm năng | Tiềm năng/kinh nghiệm | Kinh nghiệm |
Thời điểm tuyển dụng | Tháng 4/ tháng 10 | Tuỳ công ty | Suốt năm |
Tuy vậy, cũng có những ngoại lệ như sau:
- Nghiên cứu sinh tiến sĩ mới ra trường thường sẽ được xếp vào nhóm Người có kinh nghiệm Chu-to(中途)
- Kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài trước khi đến Nhật nếu dưới 3 năm cũng thường sẽ không được tính khi chuyển việc
Một yếu tố nữa cần được lưu ý đó là nhiều công ty Nhật vẫn có ấn tượng không tốt về người nhảy việc liên tục Job-hopper(ジョブホッパー). Như vậy ở Nhật, người như thế nào được thì bị xem là Job-hopper? Quy tắc thường được các nhà tuyển dụng sử dụng đó là: chuyển việc không quá 2 lần nếu bạn 2x tuổi; không quá 3 lần nếu bạn 3x tuổi, 4 lần nếu bạn 4x…
Dù các ứng viên nhảy việc liên tục thường có các ấn tượng ban đầu không tốt nhưng hiện nay, với các công ty chú trọng năng lực nhân viên (Startup, Công nghệ…), nếu bạn có thể giải thích được lý do hợp lý kèm theo kinh nghiệm bạn đã tích lũy được tại những nơi làm việc trước, nhà tuyển dụng cũng hoàn toàn hiểu và thông cảm.
Như vậy, sau khi đã xác định được phân khúc của bạn trong thị trường, điều tiếp theo là tìm kiếm công ty.